BÀI TUYÊN TRUYỀN
Ngày Pháp luật Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 09/11/2022
Ngày 20/6/2012, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật PBGDPL. Xuất phát từ vai trò của pháp luật, ý nghĩa của Hiến pháp năm 1946 - Bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa với những giá trị về tư tưởng pháp quyền, quyền lực thuộc về Nhân dân, bảo đảm quyền con người, quyền công dân và thực tiễn triển khai mô hình “Ngày Pháp luật”, kết hợp với tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới, Luật PBGDPL đã quy định ngày 09 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 8) - Ngày Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà thông qua Hiến pháp năm 1946. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Cụ thể hóa nội dung này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04/4/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (Nghị định số 28/2013/NĐ-CP), trong đó quy định cụ thể nội dung, hình thức và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong tổ chức triển khai thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam
Theo Điều 8 Luật phổ biến, giáo dục pháp luật quy định: “Ngày 09/11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội”.
Ngày Pháp luật được tổ chức để tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, đồng thời tăng cường nhận thức cho mọi người về vai trò của luật pháp trong đời sống, tăng cường sự hiểu biết pháp luật và khả năng thực thi pháp luật trong hoạt động quản lý Nhà nước, hoạt động kinh tế - xã hội và sinh hoạt hàng ngày của người dân.
Thông qua Ngày Pháp luật giúp cho mọi tổ chức, cá nhân công dân có ý thức tuân thủ pháp luật tốt hơn, là dịp để đánh giá lại những kết quả đã đạt được và những hạn chế trong hoạt động xây dựng, thực thi pháp luật; là cơ hội để tổ chức nhiều hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho cộng đồng thông qua những cách thức khác nhau. Qua đó, những người thi hành pháp luật cũng sẽ nhận được những thông tin phản hồi, những quan điểm đánh giá về tất cả các quy định pháp luật cũng như cách thức thực hiện, hiệu quả của hệ thống pháp luật đối với đời sống xã hội; từ đó hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật, cũng như cải thiện, nâng cao hoạt động của hệ thống tư pháp.
Ngày Pháp luật khơi dậy trong mọi cá nhân công dân ý thức về trách nhiệm, bổn phận và quyền lợi của mình mà tham gia một cách tích cực vào các sinh hoạt của đời sống chính trị và đời sống xã hội. Do vậy, Ngày Pháp luật có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong việc đề cao giá trị của pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, hướng mọi tổ chức, cá nhân tính tích cực tham gia với hành vi, thái độ xử sự pháp luật đúng đắn, đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân công dân trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức và niềm tin pháp luật, từng bước xây dựng và củng cố các giá trị văn hóa pháp lý trong cuộc sống xã hội. Đồng thời, đây còn là mô hình để vận động, khuyến khích, kêu gọi toàn thể Nhân dân chung sức, đồng lòng vì sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước, phát huy triệt để tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc cùng tích cực hành động vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Do vậy, đây còn là sự kiện chính trị, pháp lý có ý nghĩa nhân văn, ý nghĩa xã hội sâu sắc.
Ngày Pháp luật với nội hàm ghi nhận ngày ban hành bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên của nhà nước Việt Nam thì không chỉ giới hạn chỉ là ngày 09/11, mà được coi là điểm mốc, là sợi chỉ đỏ kết nối, xuyên suốt, có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư, nhắc nhở, giáo dục họ ý thức tôn trọng pháp luật, để không chỉ là một ngày, mà phấn đấu sẽ là 365 ngày trong một năm mọi tổ chức, cá nhân tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật theo hiện khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.
MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA CỦA NGÀY PHÁP LUẬT VIỆT NAM.
1. Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật.
Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, đề cao giá trị của Hiến pháp, pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Với ý nghĩa đó, để hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung hoàn thành tốt các nhiệm vụ liên quan đến công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật, đồng thời mọi tổ chức, cá nhân nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, góp phần đưa các quy định của pháp luật đi vào cuộc sống.
Nhiều cá nhân khi ra trước tòa mới cảm thấy hối hận vì tại sao mình không dũng cảm đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà mình làm việc, để cuối cùng chính bản thân cũng bị cuốn vào vòng xoáy của việc vi phạm pháp luật, nhận kết cục cay đắng. Nhìn rộng hơn ra xã hội, chúng ta thấy có những người miệng luôn yêu cầu phải “thượng tôn pháp luật”, nhưng lại không thực sự tôn trọng pháp luật, nhờn pháp luật, thái độ thách thức pháp luật, đứng ngoài pháp luật, theo cái cách như thể ta đây là "bất khả xâm phạm", không ai làm gì được. Tất cả những nhận thức và hành vi sai trái đó cần được điều chỉnh nhằm bảo đảm một xã hội lấy pháp luật làm nền tảng để duy trì kỷ cương, trật tự.
Một quốc gia phát triển bền vững cần được xây dựng trên nền tảng pháp lý vững chắc, trong đó tinh thần thượng tôn pháp luật phải được đặt lên hàng đầu. Tinh thần đó phải trở thành nền tảng trong hoạt động của bộ máy nhà nước và của cả hệ thống chính trị, phải trở thành nếp sống văn hóa thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi cộng đồng xã hội, mỗi người dân.
2. Xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ ứng xử phù hợp với pháp luật, tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, tạo lập kỷ cương, phép nước góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng, PBGDPL và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Pháp luật của nước ta đảm bảo nguyên tắc công bằng, minh bạch; ghi nhận, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho mỗi cá nhân và hài hòa lợi ích trong xã hội, Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật là thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Qua việc tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ, hành vi ứng xử phù hợp với quy định của pháp luật, nâng cao ý thức bảo vệ pháp luật của toàn dân. Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức nhằm đề cao giá trị con người, xây dựng nhân cách, ý thức làm chủ, tôn trọng kỷ cương, tự do trong khuôn khổ pháp luật; coi trọng các giá trị đạo đức tốt đẹp; ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, lòng yêu nước, xây dựng nếp sống văn hoá. Đây chính là yếu tố tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, kỷ cương, phép nước. Bên cạnh đó, Nhà nước pháp quyền đòi hỏi một hệ thống pháp luật hoàn thiện. Việc tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam là một trong những điều kiện quan trọng thúc đẩy tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Pháp luật chỉ có thể điều chỉnh tốt nhất hành vi khi được chấp hành một cách tự nguyện, thực sự trở thành nhu cầu tự thân, có ý thức của mỗi người. Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật, tự giác chấp hành Hiến pháp. Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật là thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam luật, tích cực tham gia bảo vệ pháp luật; động viên toàn xã hội thi hành pháp luật nghiêm minh.
3. Hướng tới xây dựng văn hóa pháp lý trong toàn xã hội.
Văn hóa pháp lý được thể hiện hàng ngày ở tất cả các lĩnh vực hoạt động của Nhà nước, cá nhân và xã hội. Để hình thành văn hóa pháp lý cần phải xây dựng lối sống theo pháp luật. Ngày Pháp luật Việt Nam góp phần xây dựng lối sống theo pháp luật, tạo lập thói quen tự giác thực hiện, ứng xử theo pháp luật và nâng cao nhận thức pháp luật của mỗi người. Năm 2022 là năm thứ 9 hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam. Ngày Pháp luật Việt Nam năm nay được tổ chức nhằm tiếp tục lan tỏa tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trong xã hội, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành, địa phương; thiết thực chào mừng các sự kiện lớn của đất nước.
Để xây dựng lối sống theo pháp luật thì trước hết phải không ngừng mở rộng dân chủ, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở. Bởi dân chủ sẽ tạo môi trường để con người phát huy tối đa năng lực vốn có của mình, muốn có tự do, dân chủ thì mỗi cá nhân phải sống theo pháp luật. Muốn vậy thì dân chủ phải được thể chế hóa bằng pháp luật và phải được pháp luật bảo vệ, trở thành nguyên tắc chi phối lối sống của con người. Chỉ trong một xã hội dân chủ, người dân mới có thể bộc lộ được hết khả năng, năng lực của mình như phát minh ra cái mới, sáng tạo, tìm tòi những sáng kiến, xóa bỏ cái lạc hậu, cái không phù hợp…
Ngoài ra, để hình thành lối sống theo pháp luật phải đảm bảo công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Công bằng xã hội sẽ tạo lập niềm tin cho nhân dân, góp phần hình thành niềm tin pháp lý tốt đẹp. Ưu thế của pháp luật so với các công cụ điều chỉnh khác trong việc giải quyết những tranh chấp, mâu thuẫn trong xã hội một cách triệt để, thống nhất, hiệu quả. Công bằng, bình đẳng xã hội là phương thức mà Nhà nước thực hiện nhằm thỏa mãn những nhu cầu của các tầng lớp, các nhóm xã hội, các cá nhân trong xã hội. Trong xã hội hiện đại, pháp luật ngày càng đóng vai trò quan trọng trong điều chỉnh các quan hệ xã hội nên xây dựng lối sống theo pháp luật là bảo đảm sự ổn định và phát triển đất nước.
Ngày Pháp luật có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong việc đề cao giá trị của pháp luật trong nhà nước pháp quyền, hướng mọi tổ chức, cá nhân tính tích cực tham gia với hành vi, thái độ xử sự pháp luật đúng đắn. Đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi công dân nói chung và cán bộ, công chức, viên chức nói riêng trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật. Qua đó góp phần nâng cao ý thức và niềm tin pháp luật, từng bước xây dựng và củng cố các giá trị văn hóa pháp lý trong cuộc sống xã hội. Đồng thời, đây còn là mô hình để vận động, khuyến khích, kêu gọi toàn thể nhân dân chung sức, đồng lòng vì sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện nhà nước, phát huy triệt để tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng tích cực hành động vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Duyệt lãnh đạo Người viết bài
PCT. UBND XÃ
Đoàn Văn Thoảng Vũ Văn Chấn