KHÁI QUÁT VỀ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, LỊCH SỬ, TRUYỀN THỐNG VĂN HOÁ, DI TÍCH
XÃ THỐNG NHẤT, HUYỆN GIA LỘC
---------
Xã Thống Nhất nằm ở phía Bắc huyện Gia Lộc, cách trung tâm huyện khoảng 5km, cách trung tâm Thành phố Hải Dương 12km. Địa giới hành chính xã: Phía Bắc giáp sông Sặt, xã Cẩm Đoài, huyện Cẩm Giàng và phường Tứ Minh, Thành phố Hải Dương; phía Nam và phía Tây giáp xã Yết Kiêu, phía Đông giáp xã Liên Hồng Thành phố Hải Dương. Diện tích đất tự nhiên của xã 612,84ha, số 2655 hộ với 9205 nhân khẩu.
Ngược dòng lịch sử, căn cứ vào các tư liệu khảo cổ học cùng các văn bia, thần phả, tộc phả lưu truyền, mảnh Thống Nhất được hình thành từ rất sớm. Qua nhiều triều đại và sự biến động của lịch sử, vùng đất này được tổ tiên các dòng họ ở Thống Nhất khai phá, tạo lập nên làng xã, từ đó phe, giáp, họ hàng được phân chia, hương ước làng xã được hình thành. Nhân dân Thống Nhất có truyền thống yêu nước, đoàn kết dũng cảm trong đấu tranh cách mạng, cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất, giàu lòng hiếu nghĩa, thủy chung gắn bó với mảnh đất quê hương. Trong quá trình xây dựng quê hương, đất nước, nhân dân đã tạo nên những truyền thống quý báu như truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo.
Thống Nhất là quê hương của tiến sỹ Lê Duy Lương, người làng Cẩm Đới đỗ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân khoa Giáp Thìn, niên hiệu Hồng Thuận 6 (1514) làm quan tới chức Thượng thư, tước Bá về trí sĩ. Cụ Vũ Thoát Dĩnh (hiệu là Đạm Trai), người xã Bao Trung, huyện Gia Phúc, nay là thôn Trung, xã Thống Nhất, huyện Gia Lộc, năm 24 tuổi cụ thi Hội đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Mậu Tuất, niên hiệu Đại Chính thứ 9 (1538) đời Mạc Đăng Doanh, cụ làm quan đến chức Tả thị lang Bộ Binh, thanh hoa đạo, tán trị thừa tuyên sứ ti, thừa tuyên sứ, tước minh lễ bá, sau về trí sĩ. Khi mất cụ được truy phong chức Thượng thư. Xã là quê hương của anh hùng lực lượng vũ trang Phạm Văn Cờ, người đầu tiên được tuyên dương anh hùng của huyện. Là quê hương của nhiều đồng chí cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, lực lượng vũ trang, cơ quan nhà nước.
Dưới chế độ thực dân, phong kiến, xã Thống Nhất thuộc Tổng Bao Trung gồm 3 xã: Bao Trung, Cẩm Đới và Cẩm Cầu.
Xã Bao Trung gồm có các làng: Vô Lượng, Thọ Khai, Thường Lạc, Trung và ấp Trung Thành (ấp Ty). Xã Cẩm Đới, Cẩm Cầu gắn liền tên làng và xã với nhau. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, xã Cẩm Đới hợp nhất với Cẩm Cầu lập thành xã Quỳnh Huê. Tháng 4/1948, theo chỉ đạo của cấp trên 2 xã Quỳnh Huê và Bao Trung sáp nhập với nhau thành một, lấy tên là xã Thống Nhất cho đến ngày nay. Xã có 6 làng gồm: Vô Lượng, Cẩm Đới, Ty, Khay, Trung và Cẩm Cầu.
* Làng Vô Lượng:
Xưa kia thuộc xã Bao Trung, tổng Bao Trung, huyện Gia Lộc, có 4 thôn là: Thôn Vô Lượng tục gọi là Vo, thôn Thọ Khai tục gọi là Khay, thôn Thường Lạc tục gọi là Bão và thôn Trung. Sau cách mạng tháng Tám 1945 tách ra thành 3 làng là Vô Lượng, Khay, Trung thuộc xã Thống Nhất.
Xưa 4 thôn có 3 đình cùng thờ chung một vị thành hoàng là Minh Tâm cư sĩ Linh quang cảm ứng hiền thánh diễm phúc suy lộc Hồng Mô A lậu Đại Vương. Gia tặng quảng hậu chính trực hiệu thiên đôn ngưng diệc bảo trung hưng tôn thần (Sự minh huý là Tâm) ngài là nhân thần. Sự tích về Ngài theo ngọc phả là người có công giúp vua Lý Anh Tôn đánh giặc. Làng có lễ hội truyền thống gắn với ngày sinh và ngày mất của ngài vào ngày 11 tháng Giêng là ngày sinh và mồng 10 tháng Tư âm lịch là ngày hoá. Làng hiện nay còn lưu giữ được một ngôi đình được xây dựng cách đây trên 300 năm. Năm 1998, đình làng đã được Bộ Văn hoá thông tin xếp hạng di tích lịch sử văn hoá. Làng còn lưu giữ được một ngôi chùa khá nguyên vẹn.
Vô Lượng là làng có truyền thống anh dũng trong chiến đấu, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, xây dựng quê hương. Năm 1974 là làng đầu tiên của xã đạt năng xuất lúa 5 tấn/ha, được tặng thưởng Huân chương lao động Hạng Ba và được đón đồng chí Lê Thanh Nghị - Uỷ viên Bộ chính trị - Phó thủ tướng chính phủ về thăm. Ngày 31/8/1997, làng vinh dự được đón Tổng bí thư Đỗ Mười về thăm và tìm hiểu việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
Làng đã xây dựng được quy ước năm 2002 gồm 6 chương, 20 điều; được công nhận danh hiệu “Làng văn hoá” năm 2004.
* Làng Quỳnh Huê:
Làng Cẩm Đới tục gọi là làng Đươi thuộc Tổng Bao Trung, huyện Gia Lộc.
Cùng với làng Cẩm Cầu, làng có chung ngôi đền gọi là Quỳnh Hoa cung điện tên thường gọi là đền Đươi thờ Vương phi Nhiếp Chính Ỷ Lan. Năm 1992, Đền Đươi đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá Quốc gia. Xưa làng còn có một ngôi chùa gọi là Bảo Đới tự và một ngôi đình gọi là Thọ Sương đình, bị giặc Pháp ném bom tàn phá ngày 19/6/1954.
Đình làng thờ 4 vị Thành hoàng là: Đức Thánh Mẫu Ỷ Lan Linh Cảm, Càn Đức, Minh Nhân Vương, Đức bản thổ huý hiệu là Vũ Quý Thiên, các vị đều là nhân thần. Lễ hội hàng năm được tổ chức vào 12 tháng Giêng và 25 tháng Bẩy âm lịch. Làng là quê hương của tiến sỹ Lê Duy Lương, đỗ tam giáp đồng tiến sỹ năm 1514 và danh nhân Lê Duy Dực làm quan ở đời hậu Lê.
Cùng với làng Cẩm Đới, làng có chung ngôi đền gọi là Quỳnh Hoa cung điện tên thường gọi là đền Đươi thờ Vương phi Nhiếp Chính Ỷ Lan. Năm 1992 Đền Đươi đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia.
Trước đây làng có ngôi đình thờ thành hoàng là Đức Vũ Quý Minh và Ỷ Lan Linh Cảm. Lễ hội truyền thống của làng được tổ chức vào ngày 25 tháng Bẩy âm lịch hàng năm. Làng có tục kiêng kỵ chữ Cảm (cám) khi đọc, viết, nói gọi chệch đi là tấm.
. Làng là quê hương của Anh hùng lực lượng vũ trang Phạm Văn Cờ, quê hương của đồng chí Vũ Văn Hách - Tỉnh uỷ viên - Bí thư huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Gia Lộc.
Làng đã xây dựng được quy ước gồm 5 chương, 44 điều, được công nhận danh hiệu “Làng văn hoá” năm 1999.
* Làng Ty:
Là làng nhỏ ở bên bến Đò Ty và chợ Ty do nhân dân ở các thôn ra lập ấp hình thành lên, trước đây còn gọi là Tân Thành.
Ngày 21/3/1954, giặc Pháp tấn công càn quét vào làng, nhân dân đã chống trả quyết liệt, trong trận chống càn trên 2 đồng chí du kích đã anh dũng hy sinh, nhiều người bị địch bắt tù đầy, nhiều người dân trong làng bị tàn sát, từ đó ngày 21/3/1954 trở thành ngày giỗ trận của làng. Làng đã xây dựng được quy ước gồm 6 chương, 20 điều vào năm 2001.
* Làng Khay:
Xưa kia là 2 thôn Thọ Khai và Thường Lạc, xã Bao Trung, huyện Gia Lộc, sau Cách mạng tháng Tám hai thôn hợp nhất làm một lấy tên là làng Trường Thọ. Tháng 12/1959, đổi tên là làng Khay thuộc xã Thống Nhất cho đến ngày nay. Xưa làng có một ngôi đình cổ thờ chung thành hoàng với làng Vô Lượng.
Làng đã được Bộ trưởng y tế Nguyễn Văn Cẩn về thăm vì đã có thành tích trong phong trào xây dựng nếp sống văn minh tiêu biểu.
Làng đã xây dựng được quy ước năm 2001 gồm 6 chương, 21 điều, được công nhận danh hiệu “Làng văn hoá” năm 2001.
* Làng Trung.
Xưa kia là 1 trong 4 thôn của xã Bao Trung, huyện Gia Lộc. Sau Cách mạng tháng Tám là làng thuộc xã Thống Nhất, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương cho tới ngày nay.
Thành hoàng làng cùng thờ với làng Vô Lượng. Làng Trung có từ lâu đời, xưa kia làng có một ngôi đình, trong kháng chiến đã bị thực dân Pháp tàn phá, đến nay không còn.
Làng đã xây dựng được quy ước gồm 5 chương, 42 điều, được công nhận danh hiệu “Làng văn hoá” năm 1998.
Là địa phương đông dân, có nguồn lao động rồi rào, mật độ dân số phân bố không đồng đều giữa các làng, chủ yếu tập trung đông ở Cẩm Đới và Vô Lượng mỗi nơi có khoảng 1000 nhân khẩu, các thôn khác có trên dưới 100 nhân khẩu.
Về đường thuỷ: Sông Sặt nằm dọc phía Bắc xã, sông không rộng nhưng rất thuận lợi cho việc canh tác và giao thông đường thủy. Trong kháng chiến là tuyến giao thông quan trọng về kinh tế và quân sự giữa các huyện phía Nam tỉnh đi các tỉnh phía Bắc và ngược lại.
Về đường bộ: Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, hệ thống đường giao thông chưa phát triển, nằm giữa xã có con đường cái sắc nối đường 17 lên huyện Gia Lộc, đi cống Bá Thủy, sang Cẩm Giàng, ngoài ra trên địa bàn xã còn có đường giao thông liên thôn, xóm. Tuy nhiên, đường xá lúc bấy giờ chủ yếu là đường đất nhỏ hẹp, mùa mưa thì lầy lội, mùa khô thì bụi bặm rất khó khăn cho việc đi lại. Ngày nay, các con đường liên thôn, liên xã đã được xây dựng khang trang rộng rãi, mặt đường được trải nhựa, bê tông thuận lợi cho việc đi lại và sản xuất của nhân dân.
Dân cư Thống Nhất chủ yếu là người Kinh, hầu hết theo đạo phật, riêng ấp Ty đa số theo đạo Thiên Chúa giáo. Tuy khác họ, khác làng, khác tôn giáo nhưng người dân Thống Nhất luôn gắn bó với nhau bởi tình làng nghĩa xóm “tắt lửa, tối đèn có nhau”, đoàn kết xây dựng gia đình, họ tộc, quê hương, đất nước.
Nguồn sống chính của người dân là sản xuất nông nghiệp, cây trồng chủ yếu là lúa và cây rau màu được gieo trồng vào vụ chiêm với diện tích không nhiều. Ngoài nghề làm ruộng, ở Vô Lượng có nghề chưng cất rượu gia truyền, mỗi làng xã cũ có 5 đến 7 người làm nghề thợ mộc. Xã có 2 chợ là Chợ Ty và chợ Đình Đươi, chợ Ty nằm cạnh sông Sặt họp vào ngày lẻ, Chợ Đình Đươi họp vào ngày chẵn trong tháng, nhưng số người tham gia buôn bán ít, chỉ có trên chục người làm hàng xay, hàng sáo, làm bánh đúc, bánh đa. Thôn Cẩm Đới có quán giữa, là nơi bán cua cá vào buổi chiều hằng ngày.
Tín ngưỡng dân gian ở Thống Nhất được hình thành và phát triển rất sớm. Do đại đa số nhân dân theo đạo phật nên các làng đều có đình, chùa, đền, miếu...Đình là nơi thờ Thần Hoàng Làng, nơi sinh hoạt chính trị, văn hoá của nhân dân. Tiêu biểu cho các công trình kiến trúc ở Thống Nhất là Đền Đươi và Đình Vô Lượng.
* Đền Đươi: Nằm ở phía Nam thôn Cẩm Đới (tên nôm là làng Đươi), Đền thờ Nguyên phi Ỷ Lan thời nhà Lý, Đền toạ lạc trên một khu đất cao giữa cánh đồng lúa mênh mông, cách làng 300m. Trước mặt Đền là vùng đầm hồ rộng lớn bao bọc tựa thế 9 con rồng ôm lấy khu đền. Về kiến trúc ngôi đền xưa rất nguy nga, tráng lệ, những phát hiện khảo cổ học ở đây đã chứng minh ngôi đền có từ thời Lý. Nhưng đến nay đền chỉ còn lại toà tiền tế, tòa trung từ và hậu cung cùng hai dãy hành lang được trùng tu khoảng cuối thế kỷ XVII.
Toà tiền tế quay mặt về hướng đông gồm có 5 gian kết cấu vì theo kiểu con chồng đấu sen. Các vì được chạm khắc rất kỹ, trên các vì đều có các bức cối chạm long quần. Nghệ thuật điêu khắc mang đậm dấu ấn của thời Lê. Gian chính giữa có treo một cửa võng cùng bức đại tự lớn đề 4 chữ: “Động thiên chí lý”.
Toà trung từ gồm 5 gian, kiến trúc chạm khắc đơn giản. Tại đây cũng có một cửa võng chạm lưỡng long chầu nguyệt. Đồ tế tự khá phong phú như long đình, bát biểu… toà trung từ được nối thông với toà tiền tế bởi hai dãy hành lang. Khoảng sân giữa có bể nước và các chậu cây cảnh.
Toà hậu cung có 3 gian, được ngăn cách với toà trung từ bằng bộ cửa ván bưng có chạm rồng. Phía trong là cung cấm có khám thờ tượng Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan. Tượng được tạc trong tư thế ngồi, cao 60cm, sơn son thếp vàng, nét mặt phúc hậu, phảng phất nét quyền quý vương giả. Toà hậu cung chỉ được mở trong các dịp lễ hội.
Cổ vật của di tích ngày xưa rất nhiều, đến nay còn lại 4 bộ kiệu, một long đình, 4 ngai thờ thành hoàng, 1 bộ bát biểu, 2 đôi câu đối, 1 bát hương đồng, 2 con nghê đá được xác định vào thế kỷ XVII. Một số gạch hoa thời Lý khai quật được tại khu di tích. Cạnh đền là ngôi chùa cổ với hệ thống tượng pháp hoàn chỉnh làm tăng thêm tính hấp dẫn, không gian lễ hội của di tích.
Hơn 900 năm tồn tại trong điều kiện môi trường khí hậu khắc nghiệt, trải qua nhiều cuộc chiến tranh kéo dài, di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh đền Đươi đã mất đi một số hạng mục kiến trúc cổ có giá trị. Nhưng những gì còn lại đến nay cũng đủ để cho chúng ta tự hào. Ngay từ năm 1925 theo đề nghị của trường Viễn Đông Bác Cổ, toàn quyền Đông Dương đã ra quyết định xếp hạng cho di tích đền Đươi, đây là 1 trong 3 di tích ở Hải Dương được toàn quyền Đông Dương ra quyết định liệt hạng.
Lễ hội Đền Đươi hàng năm được tổ chức 2 lần, ngày 12/2 âm lịch (ngày sinh), ngày 25/7 âm lịch (ngày mất) của nguyên phi Ỷ Lan. Trong những ngày mở hội, tượng của nguyên phi Ỷ Lan được đưa ra khỏi cung cấm, tổ chức rước khắp xã để cho nhân dân chiêm bái. Ngoài ra còn có các trò chơi dân gian như chọi gà, đấu vật, tổ chức múa hát. Lễ hội đền Đươi thực sự là sinh hoạt văn hoá lành mạnh, thu hút khách trong và ngoài vùng đến dự, thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Bảo lưu các giá trị truyền thống của cha ông.
* Đình Vô Lượng: Đình Vô Lượng còn có tên gọi là Đình Vo. Đình được xây dựng vào thời Lê, trên một khu đất cao phía đầu làng, quay hướng Nam, trước cửa đình là dãy ao hồ tạo nên thế Tụ Thuỷ. Đến thời Nguyễn, đình được trùng tu tôn tạo với quy mô gồm 5 gian đình ngoài, 8 gian đình trong và 10 gian giải vũ. Việc xây dựng đình có sự đóng góp to lớn của nhân dân. Theo bia trùng tu dựng năm 1860 đã ghi lại một số người có công đóng góp như: ông Đoàn Hữu Hiệu đã xuất 600 quan tiền, 1 ao to và 3 mẫu ruộng, bà Nguyễn Thị Phẫn góp 300 quan tiền và 3 mẫu ruộng...
Hiện tại, 5 gian đình ngoài đã bị đổ, chỉ còn lại dãy đá tảng. Di tích còn lại 5 gian Tiền tế và 3 gian Hậu cung khá hoàn chỉnh. Từ đường làng, qua cổng đình vào tới sân gặp dãy nhãn cổ thụ. Hè đình được lát bằng gạch Bát Tràng, các đầu bẩy được chạm khắc đề tài quen thuộc của hoa lá, rồng, phượng… Hai bẩy phía đầu hồi hơi khác biệt, được chạm bong kênh. Đầu hè xây kín có cột hiên đỡ mái. Trên cột khắc đôi câu đối:
Thế như xuân, tứ dân làng hàm toại
Đình kiến cực, ngũ phúc dụng phu
Nghĩa là: Đời như xuân, dân khắp nơi đều toại nguyện
Đình xây dựng đẹp thay, ngũ phúc tràn đầy.
Các hiện vật còn lưu giữ được tại di tích gồm:
Đồ đá: Bia số 1 “Thiên trường địa cửu” dựng năm 1860, cao 1,2m, rộng 48cm, dày 18cm, xung quanh để trơn, hai mặt có 430 chữ; bia số 2 “Lưu phương vạn cổ” dựng năm 1878, cao 1,6m, rộng 66cm, dày 22cm, bia một mặt chữ gồm 275 chữ; 6 tảng hoa sen kê cột thời Nguyễn của Đình ngoài đã rỡ bỏ, đường kính trung bình 78cm, cao 32cm.
Đồ gỗ: 1 đại tự sơn son thếp vàng thời Nguyễn; 1 khám thờ cao 1,95m, rộng 96cm; 1 tượng đức Thánh ngồi trong khám cao 1,1m, đều khắc đầu thế kỷ XIX; 1 ngai thờ cao 1,39m, dài 61cm, rộng 54cm; 1 kiệu cao 2,87m, rộng 91cm; 2 bàn thờ dài 89cm, rộng 61cm, cao 52cm; 1 sập thờ dài 1,76m, rộng 1,3m, cao 30cm; 1 hòm sắc; 1 mâm quả đường kính 48cm; 2 lọ hoa gỗ cao 53cm, đường kính miệng 31cm; 3 ống gỗ đựng hương; 1 bệ kiệu; 4 đài quả; 1 cây nến cao 0,65m; 1 bộ bát Bửu thời Nguyễn.
Đồ sứ: 1 bát hương thời Nguyễn; 4 lục bình mới.
Đồ vải: 1 y môn; 2 lọng; 2 cờ thần.
Đồ đồng: 1 chuông đồng đường kính 52 cm.
Đồ da: 1 trống da tang gỗ, đường kính 44cm.
Đình có kết cấu vì theo kiểu chồng giường đấu sen, có nhiều mảng chạm khắc tinh xảo với các đề tài rồng, phượng, long mã và hoa lá. Kỹ thuật chạm bong kênh.
Gian chính giữa có bức đại tự lớn: “Cao minh bác hậu” nghĩa là ca ngợi vị Thành hoàng có chí khí cao thượng, trí tuệ thông minh, lòng nhân ái bao la, tình cảm sâu nặng. Phía dưới đại tự là mảng cốn chạm lưỡng long chầu nguyệt, đồng thời là vách ngăn giữa đình và hậu cung. Hậu cung có khám, trong khám có tượng Phạm A Nậu tạc bằng gỗ mít, sơn son thếp vàng trong tư thế ngồi, khuôn mặt quắc thước.
Đình Vô Lượng thờ danh tướng thời Lý là Phạm A Nậu, tức Minh Tâm cư sỹ đại tướng người xứ Hà Đông, có công lớn trong cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc. Khi đất nước thanh bình, ông cầm quân cấm vệ thường xuyên hộ tống các chuyến đi thanh sát của Nguyên phi Ỷ Lan. Khi thuyền của bà đến thôn Cẩm Đới (còn gọi là thôn Đươi) bà dừng thuyền nghỉ lại ngôi chùa cổ ven sông. Tướng quân Phạm A Nậu mang quân hộ giá vòng ngoài tại thôn Vo. Quân sĩ của ông được rèn luyện có tính kỷ luật cao, không hề phiền nhiễu, được nhân dân rất yêu mến. Sau khi ông mất, triều đình đã cho dân làng lập đền thờ và phong ông làm Thành hoàng. Hằng năm, cứ vào ngày 10 tháng giêng âm lịch, nhân dân mở lễ hội để tưởng nhớ ông.
Lễ hội được mở hằng năm từ ngày 10 đến 20 tháng giêng âm lịch. Trong lễ hội có tổ chức các trò chơi dân gian, múa hát. Các dòng họ trong làng đều làm cỗ lễ tạ Thành hoàng. Ngày nay, miếu, nghè không còn nữa nên lễ hội thường diễn ra tại khu vực sân đình, thời gian rút ngắn hơn so với trước. Hội đình vẫn bảo lưu được tính truyền thống, một sinh hoạt văn hoá cộng đồng bổ ích, góp phần đoàn kết toàn dân, xây dựng đời sống văn hoá tinh thần lành mạnh.
Ngày 31/8/1997, Tổng Bí thư Đỗ Mười đã về thăm xã Thống Nhất, thăm ngôi đình cổ Vô Lượng và tổ chức gặp gỡ với cán bộ, nhân dân địa phương tại đình để trao đổi cách làm ăn, cách quản lý hợp tác xã nông nghiệp. Lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của bà con nông dân. Tổng Bí thư đã trồng cây đa lưu niệm tại sân đình.
* Đình Chùa – Trung: Đình Trung thờ Thành hoàng làng Phạm A Nậu – một danh tướng thời Lý ( thế kỷ XII). Thân thế và sự nghiệp của ông được ghi chép trong ngọc Phả, thần tích, thần sắc, sắc phong và lưu truyền trong Nhân dân từ xưa tới nay. Nghiên cứu, tìm hiểu về ông, chúng ta hiểu hơn về tình hình chính trị, xã hội, quân sự, chính sách ngọai giao của nước ta vào thời Lý, đặc biệt là dưới thời vua Lý Anh Tông. Là một vị tướng, khi quốc gia hữu sự, ông đã đem hết tài năng và sức lực của mình để hoàn thành trách nhiệm được giao, bày binh bố trận, thống lĩnh quân lính, ông lại “ cầm quân cấm vệ hộ tống các chuyến đi thanh tra của bà Nguyên Phi ỷ Lan, quân sĩ của ông được rèn luyện có tính kỷ luật cao, không hề phiền nhiễu, được Nhân dân rất yêu mến.
Đình Trung không chỉ là nơi thờ Thành hoàng Phạm A Nậu mà còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; nơi ghi dấu văn hóa, tín ngưỡng làng xã thời phong kiến. Lễ hội đình làng diễn ra hàng năm, chính là dịp để dân làng từ già tới trẻ ôn lại truyền thống tốt đẹp, lịch sử hình thành và phát triển của địa phương, tôn vinh vị thần có công với dân, với nước.
Chùa Trung là nơi thờ Phật theo thiền phái Đại thừa. Đây là thiền phái phổ biến tại các ngôi chùa ở đồng bằng bằng Bắc bộ với giáo lý khuyên răn con người làm nhiều điều thiện, tránh xa điều ác, giúp đỡ nhau để cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn. Đồng thời, di tích còn phối thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn – một danh tướng kiệt xuất dưới thời Trần và thờ Mẫu theo tín ngưỡng dân gian.
Di tích lịch sử Đình - Chùa Trung xã Thống Nhất, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương được xếp hạng di tích cấp Tỉnh, tại quyết định số 305/QĐ-UBND, ngày 19/01/2017 của UBND tỉnh Hải Dương, trên khuôn viên rộng 4495 m2
Ngoài các công trình trên, ở Thống Nhất còn có Nhà thờ Thiên Chúa giáo được xây dựng từ năm 1922 bằng tre, năm 1938 xây gạch lợp ngói, đây là nơi cầu nguyện của nhân dân công giáo ấp Ty và các nơi lân cận.